Tín hiệu phục hồi và đi lên của kinh tế

nen_kinh_te_viet_nam

Các nhà quản lý, chuyên gia cho rằng, CPI tháng 6 ở mức âm chưa thể coi là kinh tế rơi vào giảm phát, trì trệ mà ngược lại, đang có một số dấu hiệu cải thiện.

Kinh tế đang từng bước đi lên

Trả lời phóng viên Báo điện tử Chính phủ về tình hình kinh tế xã hội thời gian qua, TS Trần Du Lịch, Ủy viên Ủy ban Kinh tế Quốc hội, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội TP HCM cho biết, những khó khăn của kinh tế Việt Nam đã chạm đáy và đang trong giai đoạn hồi phục, đi lên.

TS Trần Du Lịch nêu ra một số tín hiệu thể hiện sự phục hồi và đi lên của kinh tế. Đó là tăng trưởng kinh tế quý II ước đạt 4,5%, cao hơn mức 4% của quý I (mức đáy và không thể thấp hơn). Chỉ số phát triển doanh nghiệp cũng bắt đầu bớt tiêu cực hơn. 5 tháng đầu năm, có khoảng 21.800 doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động, tăng 9,5%, so với cùng kỳ. Riêng tháng 5, số doanh nghiệp " chết" đã bắt đầu giảm khoảng 10% so với tháng 4.

Ngoài ra, hàng tồn kho của doanh nghiệp cũng có xu hướng giảm dần, từ mức cao 34,9% của tháng 3 xuống lần lượt 32,1% và 29,4% trong tháng 4 và 5. Và đến 1/6 chỉ còn khoảng 26,4%.

Lãi suất cho vay tính đến 21/6 cũng đã giảm gần 3%, tiền đồng được cải thiện và ổn định hơn nhiều. Nhu cầu tiêu dùng bắt đầu quay trở lại, kích thích sản xuất. Một số yếu tố khách quan như giá dầu thô đã ổn định, kinh tế Mỹ cũng đã khởi sắc và điều đó giúp Việt Nam tăng xuất khẩu, đầu tư. "Rõ ràng sự phục hồi đang diễn ra", TS Trần Du Lịch nói.

TS Trần Du Lịch cho rằng, trước tình hình này, các doanh nghiệp cần sẵn sàng chuẩn bị cho chu kỳ tới, khi khó khăn qua đi sẽ có nguồn lực tốt để tăng tốc phát triển.

"Vấn đề quan trọng là doanh nghiệp cần nghiêm túc đánh giá lại năng lực của mình như sử dụng nhân lực, nguồn vốn có hợp lý hay không, sản phẩm đã phù hợp với thị trường chưa..., từ đó đưa ra chiến lược phù hợp với thời điểm hiện tại", TS Trần Du Lịch cho biết.

Ông Đỗ Thức, Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê cũng cho rằng, việc CPI âm trong tháng 6 là kết quả của cả một quá trình chúng ta thực hiện chính sách tài khóa, tiền tệ chặt chẽ từ đầu năm ngoái. Một trong những mục tiêu ưu tiên của Quốc hội đề ra là kiềm chế lạm phát, thay vì mục tiêu tăng trưởng kinh tế. Do đó, sau một năm rưỡi duy trì chính sách này, đến nay có hiệu quả. "Dưới giác độ thống kê thì việc giảm này là bình thường", ông Đỗ Thức nói.

Ỗng cũng nhận định, thời gian gần đây, các chỉ số "sức khỏe" của nền sản xuất đã có dấu hiệu cải thiện. Đơn cử, chỉ số sản xuất công nghiệp hồi đầu năm tăng rất thấp, có lúc chỉ bằng một nửa năm trước, tăng 4% trong khi cùng kỳ các năm là 9%, nhưng đến tháng 6, chỉ số này ước đã tăng tới 7- 8%.

Hàng tồn kho trước đây cao, rất đáng lo ngại nhưng 2 tháng qua cũng đã giảm đáng kể. Năm tháng qua, tồn kho đã giảm liên tục, dù chỉ số này vẫn còn cao, nhưng như vậy, cũng đã chứng tỏ tín hiệu cải thiện khá tốt.

TS. Lê Đình Ân, nguyên Giám đốc Trung tâm Thông tin và Dự báo KT-XH quốc gia cũng khẳng định, CPI tháng 6 ở mức âm 0,26% chưa thể khẳng định là nền kinh tế đã giảm phát. TS Lê Đình Ân cũng chia sẻ nhận định, thời gian qua, kinh tế vĩ mô đã dần ổn định. Cán cân thanh toán quốc tế đang có chiều hướng tích cực, trong đó cán cân thương mại quý I, quý II/2012 đã được cải thiện rõ rệt.

Thị trường ngoại hối đã được kiểm soát, tỷ giá giữ được ổn định suốt từ đầu năm. Thị trường vàng được quản lý tốt hơn và vàng miếng bị loại ra khỏi chức năng thanh toán.

Khu vực sản xuất các mặt hàng thiết yếu cơ bản trong lĩnh vực nông lâm ngư nghiệp như lương thực, nông sản, thực phẩm và lĩnh vực xuất khẩu vẫn duy trì được mức tăng trưởng khá, góp phần tích cực ổn định kinh tế vĩ mô và đảm bảo được an sinh xã hội...

TS. Lê Đình Ân phân tích, CPI giảm sẽ tạo một dư địa chính sách để Chính phủ có điều kiện giảm lãi suất huy động và cho vay, đồng thời, có điều kiện áp dụng các chính sách và các giải pháp cơ bản khác như đẩy mạnh xây dựng cơ bản, giải ngân ODA và có điều kiện để giảm bớt sự đình trệ của thị trường bất động sản và các thị trường khác.

TS. Trần Du Lịch cũng chỉ ra rằng, để đạt kết quả nêu trên, Chính phủ có sự đổi mới cách làm. Theo đó, như lời TS. Trần Du Lịch, dù có những tiếng " kêu than" dữ dội nhưng Thủ tướng chủ trương chỉ tăng tổng cầu trong kế hoạch chứ không phá kế hoạch. Thứ hai là chỉ hỗ trợ thị trường chứ không cứu doanh nghiệp bằng biện pháp hỗ trợ lãi suất như năm 2009.

Hồng Phong

Nguồn chinhphu.vn