Biển, nỗi nhớ và anh

"Anh vẫn thường hay ngân nga câu hát: “Biển một bên và em một bên”. Em sẽ chẳng ghen tị đâu khi anh đặt em cùng biển. Biển chỉ hài hòa với những đợt sóng như vuốt ve đôi bàn chân em khi em chạy tung tăng trên bãi cát ven biển", bạn Lê Thị Hoa chia sẻ cảm xúc về vịnh Hạ Long.

 

 

Em vẫn nhớ lắm cảm giác lần đầu tiên đến với quê anh Hạ Long. Ngồi trên xe ngay khi còn cách biển khá xa đã nghe vị mặn mòi đặc trưng của biền ùa vào nơi sống mũi. Rồi biển hiện ra trước mắt em, xanh trong và mênh mông như bao đời nay vẫn vậy. Gió biển lùa qua cửa kính, tràn ngập khoang xe, làm ai cũng phấn khích nhắm mắt hít thở thật sâu cái vị mằn mặn nồng nồng ấy.

Anh dắt em dạo chơi trên con lộ ven biển rợp bóng cây. Những khóm trúc đào nở bông hồng, bông đỏ. Bên kia đường là sườn đồi với hàng thông reo vi vu như hòa vào khúc giao hưởng bất tận cùng với sóng nước. Thảm cỏ tháng ba xanh rợn ngợp dưới chân em chào đón những chú dê nhỏ thong dong bước lại, nhẩn nha thưởng thức hương vị của đất trời như những sinh vật vô ưu, hạnh phúc nhất.

Khung cảnh làm em liên tưởng đến những vùng đất ôn đới xa xôi mà chúng ta vốn chỉ được biết qua sách vở. Nơi đó khí hậu ôn hòa, những thảo nguyên xanh bất tận với những đàn dê, đàn cừu đẹp như trong chuyện cổ tích. Vậy mà nhìn sang phía bên kia đường thôi, nơi rừng thông xanh reo hòa trong gió, lại ngự kiêu hãnh những tòa khách sạn nguy nga, lộng lẫy.

Em đã quen với khung cảnh những tòa cao ốc chen lấn nhau chốn thủ đô phồn hoa náo nhiệt. Nơi mỗi người chia nhau một mảnh trời bị cắt xẻ. Bắt gặp nơi đây sự hiện đại, tráng lệ điểm xuyết giữa thiên nhiên sống động, hài hòa làm em thật sự vui thích, say mê.

Ngây ngất cùng thiên nhiên trời đất như những người bạn tri âm nhận ra nhau dù lần đầu chạm mặt. Dường như những sinh vật nơi đây cũng ý thức được niềm vui sướng của mình. Ngước nhìn cánh chim chao liệng trên bầu trời cũng xanh trong thăm thẳm như biển. Em sợ chú chim sẽ không biết đường về vì đất trời trước mặt chú quá đỗi mênh mông. Em thầm ước có đôi cánh sải rộng như chú vậy. Để thưởng lãm Hạ Long từ trên cao.

Em nghe anh kể truyền thuyết về biển đảo quê mình. Xưa kia, khi giặc ngoại xâm tiến đánh nước ta, Ngọc Hoàng sai rồng mẹ mang theo một đàn rồng con xuống hạ giới giúp người Việt đánh giặc. Thuyền giặc từ ngoài biển ào ạt tiến vào bờ vừa lúc đàn rồng tới hạ giới. Đàn rồng lập tức phun ra vô số châu ngọc và thoắt biến thành muôn ngàn đảo đá trên biển, như bức tường thành vững chắc chặn bước tiến của thuyền chiến giặc. Đoàn thuyền giặc đang lao nhanh, bị chặn đột ngột đã đâm vào các đảo đá và va chạm với nhau vỡ tành.

Truyền thuyết là thế, vẫn biết nó ít nhiều mang những màu sắc thần thoại. Nhưng anh dõi mắt về phía xa, chỉ cho em những hòn đảo điệp trùng trước mắt rồi hào hứng kể với niềm tự hào khôn xiết. Anh bảo các đảo trên vịnh Hạ Long có những hình thù riêng, không giống bất kỳ hòn đảo nào ven biển Việt Nam và không đảo nào giống đảo nào.

Có chỗ đảo quần tụ lại nhìn xa ngỡ chồng chất lên nhau, nhưng cũng có chỗ đảo đứng dọc ngang xen kẽ nhau, tạo thành tuyến chạy dài hàng chục kilômét như một bức tường thành. Đó là một thế giới sinh linh ẩn hiện trong những hình hài bằng đá đã được huyền thoại hóa.

Đảo thì giống khuôn mặt ai đó đang hướng về đất liền (hòn Đầu Người); đảo thì giống như một con rồng đang bay lượn trên mặt nước (hòn Rồng); đảo thì lại giống như một ông lão đang ngồi câu cá (hòn Lã Vọng); phía xa là hai cánh buồm nâu đang rẽ sóng nước ra khơi (hòn Cánh Buồm); đảo lại lúp xúp như mâm xôi cúng (hòn Mâm Xôi); rồi hai con gà đang âu yếm vờn nhau trên sóng nước (hòn Trống Mái); đứng giữa biển nước bao la một lư hương khổng lồ như một vật cúng tế trời đất (hòn Lư Hương)...

Đảo khác tựa như nhà sư đứng giữa mặt vịnh bao la chắp tay niệm Phật (hòn Ông Sư); đảo lại có hình tròn cao khoảng 40 m trông như chiếc đũa phơi mình trước thiên nhiên (hòn Đũa), mà nhìn từ hướng khác lại giống như vị quan triều đình áo xanh, mũ cánh chuồn, nên dân chài còn gọi là hòn Ông… Em biết những gì trước mắt không hẳn là truyền thuyết mà dường như là hiện thân của cuộc sống thực, là những tinh túy, hồn cốt của dân tộc ta được tạo hóa khéo léo tạo tác lên thành thế giới kỳ quan của đá, để trường tồn mãi cùng lịch sử, như ước vọng của chính dân tộc mình.

Anh đọc được niềm khát khao trong mắt em và tặng cho em một trải nghiệm thú vị nhất trong cuộc đời mình. Đêm trên vịnh Hạ Long là khi em cảm nhận sâu sắc nhất sự gắn bó sâu thẳm giữa con người và tự nhiên. Lắng nghe tiếng sóng vỗ như thầm thì kể lại những câu chuyện rất xưa, kỳ lạ như truyền thuyết, bí ẩn như đại dương và bóng đêm bao phủ quanh em mà ánh sáng của muôn vàn vì sao dù lấp lánh nhưng xa xôi quá đỗi không bao giời chạm đến đáy được.

Tại biển cũng mênh mông như trời đất, cô độc và vĩnh hằng như trời đất. Em vội vàng tìm kiếm những sự sống xung quanh. Du thuyền im lìm như những hòn đảo trùng điệp trong không gian của vịnh. Ngủ yên như một bức tranh tĩnh mịch, diệu huyền. Thế giới như ngưng đọng lại. Tâm hồn ta như thoát thai trong giây lát khỏi cái người ta gọi là trần thế, em không biết cái cảm giác trong chốc lát ấy là gì, chỉ biết nó là tiếng gọi rất xa xăm của nguồn cội. Vừa thân thương vừa e ngại, phải chăng từ chính nơi đây những sự sống ban sơ nhất được hình thành.

Vạn vật khởi nguồn từ trong lòng đại dương. Em thả hồn theo trí tưởng tưởng theo thời gian đằng đẵng, không gian mênh mông. Chắc có lẽ những nhà triết học huyền thoại xưa kia cũng đã đứng trước không gian giống như thế này, trải nghiệm cảm giác như thế này. Để sáng lập ra thuyết “thiên -địa -nhân”. Con người là một trong ba thể trung tâm của vũ trụ cùng trời đất. Em bất giác quý trọng xiết bao cuộc sống của mình, yêu thương biết bao thế giới quanh mình. Vì ở nơi đây, em cảm nhận sâu sắc nhất sự gắn bó ấy…

Em nhìn xuống dòng nước như dắt một lớp bạc mỏng bởi ánh sáng từ những vì sao xa xôi và ánh đèn từ du thuyền chiếu gần như những hạt lân tinh sóng sánh. Chợt nhớ đến những vần thơ đẹp của của Huy Cận:

“Cá nụ, cá chim cùng cá đé
Cá song lấp lánh đuốc đen hồng
Cái đuôi em quẫy trăng vàng chóe
Đêm thở sao lùa nước Hạ Long”.

Em dõi mắt tìm kiếm theo những câu thơ. Em không thể phân biệt từng loại cá để biết con nào là cá nụ, cá song với cái đuôi “lấp lánh đuốc đen hồng”. Nhưng em nghe tiếng chúng quẫy đạp tạo thành những âm thành mà sự yên tĩnh làm nổi bật hẳn lên. Em biết trong lòng vịnh sâu thẳm là cả thế giới huyền ảo, là cả gia tài khổng lồ của quê hương anh. Biển nuôi dưỡng tâm hồn, biển cho ấm no, thịnh vượng.

Anh vẫn thường hay ngân nga câu hát: “Biển một bên và em một bên”. Em sẽ chẳng ghen tị đâu khi anh đặt em cùng biển. Biển chỉ hài hòa với những đợt sóng như vuốt ve đôi bàn chân em khi em chạy tung tăng trên bãi cát ven biển. Nền cát mượt mà in dấu chân em như ngày xưa nàng Mỵ Châu rắc những chiếc lông ngỗng cho Trọng Thủy đi tìm. Rồi sóng ủa vào xóa nhòa tất cả.

“Anh đeo trên mình ngàn ghềnh đá
Tìm bóng em trên sóng nước mênh mông”.

Em lại khúc khích vần thơ. Em biết, ngày mai em sẽ xa anh, xa biển. Biển lại hát vang khúc ca bất tận của mình, như nhắn nhủ cùng người đi, như vỗ về người ở lại. Biển tiễn đưa em một đoạn rồi khuất hẳn sau tầm mắt. Lòng nao nao như một đợt sóng chỉ chực trào dâng. Em lại thầm thì câu thơ ai đó viết mà lúc này đây như nói hộ lòng em.

“Tình yêu làm đất lạ hóa quê hương”. Em biết đó là tình yêu cho anh và cả tình yêu cho biển. Hẹn gặp lại anh và biển một ngày không xa!

(vnexpress.net)Lê Thị Hoa