Doanh nghiệp vật liệu xây dựng được tháo gỡ

Doanh nghiệp Vật liệu Xây dựng

Trước tình hình vẫn hết sức khó khăn, trước mắt các DN sản xuất, kinh doanh VLXD đã và đang triển khai nhiều biện pháp, nỗ lực phấn đấu duy trì ổn định sản xuất, kinh doanh.

Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Viglacera Nguyễn Minh Tuấn cho biết, ưu tiên hàng đầu của Tổng công ty là chú trọng phát triển khoa học kỹ thuật và chất lượng nguồn nhân lực nhằm tăng năng suất lao động, nâng cao chất lượng sản phẩm. Ðiều này được thể hiện bằng việc đích thân đồng chí Tổng Giám đốc làm Trưởng ban phát triển nguồn nhân lực của Tổng công ty và giao các đồng chí Phó Tổng Giám đốc làm trưởng bốn tiểu ban phát triển các nhóm ngành, sản phẩm. Hình thành các nhóm chuyên trách các lĩnh vực nhằm tăng cường chuyên môn hóa nhiều lĩnh vực sản phẩm.

Chẳng hạn như trong lĩnh vực sứ, sen vòi, Tổng công ty đã thành lập riêng một công ty chuyên về lĩnh vực này, trong đó phân vùng các đơn vị thành viên chuyên sản xuất loại sản phẩm này, còn thành lập riêng một công ty thương mại trong lĩnh vực sứ, sen vòi chuyên trách lo "đầu ra" cho loại mặt hàng này nhằm bảo đảm tốt nhất hiệu quả kinh doanh, tái đầu tư sản xuất, kinh doanh. Bên cạnh đó, Tổng công ty đã chỉ đạo chủ động tạm dừng sản xuất để tập trung chiều sâu, sửa chữa, nâng cấp trang thiết bị máy móc, giảm chi phí đầu vào vật tư, nguyên, nhiên liệu; rà soát phương án sản phẩm, giảm hàng tồn kho và đẩy mạnh công tác thu hồi nợ... Kết quả sáu tháng đầu năm, Tổng công ty có giá trị sản xuất kinh doanh đạt 101% và tăng 5% so với cùng kỳ, nộp ngân sách nhà nước 185 tỷ đồng; tạo việc làm ổn định cho gần 12 nghìn lao động. Lợi nhuận trước thuế bằng 237% so với kế hoạch. Tính đến thời điểm này, toàn Tổng công ty đã tiết kiệm được gần 60 tỷ đồng.

 Tương tự, Chủ tịch HÐQT Công ty CP gạch Khang Minh Ðặng Việt Lê chia sẻ, với thế mạnh trong sản xuất gạch xi-măng cốt liệu với nhiều ưu điểm như: Chống thấm tốt, tăng cường khả năng chịu lực, thi công nhanh nên sản phẩm của công ty đã phần nào được một số DN và thị trường chấp nhận. Hiện nay, công ty tiếp tục tập trung đầu tư chiều sâu, nâng cao chất lượng sản phẩm, tiết kiệm chi phí nhưng vẫn gia tăng những ưu đãi cho khách hàng (chiết khấu, giao hàng...), góp phần giảm chi phí đầu tư. Tình hình giá xăng, điện biến động vừa qua chắc chắn sẽ tăng thêm khó khăn cho DN, do vậy DN cũng rất mong chờ các chính sách tháo gỡ khó khăn từ phía các bộ, ngành liên quan, nhất là việc triển khai các nghị quyết về tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế, tạo điều kiện khơi thông thị trường bất động sản vốn đang ảm đạm.

 Các DN xi-măng thực hiện chính sách tiết kiệm vì nguyên, nhiên, vật liệu chiếm tới 50% giá thành sản phẩm. Chánh Văn phòng Công ty TNHH một thành viên Xi-măng Vicem Hoàng Thạch Phạm Huy Thọ cho biết, công ty đã lên phương án khoán, tiết kiệm cụ thể đến từng công đoạn, đơn vị. Triệt để tiết kiệm khoán điện dựa trên năng lực của thiết bị và công nghệ tiên tiến. Khoán pha trộn phụ gia và tiết kiệm điện tại các văn phòng làm việc... Ðồng thời hằng tháng, Giám đốc công ty sẽ họp đánh giá và có chế độ thưởng phạt đối với các đơn vị trong việc thực hành tiết kiệm. Hiện nay, công ty đang tăng cường áp dụng các sáng kiến khoa học kỹ thuật, vừa triển khai, vừa đánh giá một số chương trình: đốt trấu thay than, dùng dầu FOR (loại rẻ hơn dầu FO) để khởi động lò nung, áp dụng đề tài khoa học của Trường đại học Bách khoa Hà Nội trong công đoạn pha trộn phụ gia nhằm hạ giá thành nhưng vẫn bảo đảm chất lượng sản phẩm.


 Ðể hỗ trợ các DN VLXD trong bối cảnh khó khăn hiện nay, Vụ trưởng Vụ Vật liệu xây dựng (Bộ Xây dựng) Lê Văn Tới cho biết, Bộ sẽ tăng cường rà soát, kiểm tra việc thực hiện Quyết định 567/QÐ-TTg ngày 28-4-2010, Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày 16-4-2012 về việc tăng cường sử dụng vật liệu xây không nung và hạn chế sản xuất, sử dụng gạch đất sét nung và Thông tư 09/2012/TT-BXD về quy định sử dụng vật liệu xây không nung trong các công trình xây dựng. Ðồng thời sẽ siết chặt các quy hoạch về phát triển các loại VLXD, nhằm tránh gia tăng áp lực cạnh tranh và tiêu thụ trên thị trường. Bảy tháng đầu năm 2013, cả nước đã xuất khẩu 6,79 triệu tấn sản phẩm xi-măng (bao gồm clanh-ke và xi-măng); dự báo cả năm 2013 con số đó sẽ lên tới hơn 10 triệu tấn. Tuy nhiên, cần nâng cao vai trò của Hội, hiệp hội trong liên kết DN xuất khẩu VLXD, các DN VLXD nên ngồi lại với nhau, tìm giải pháp phù hợp, tránh việc bị các bạn hàng nước ngoài ép giá, dẫn đến hiệu quả xuất khẩu không cao. Cùng với việc triển khai gói hỗ trợ nhà ở và một số tín hiệu tích cực gần đây từ thị trường bất động sản, hy vọng các DN VLXD sẽ bớt khó khăn, từng bước duy trì ổn định sản xuất, kinh doanh.

Theo nhandan.com.vn