Mỗi thủ khoa được nhận bằng khen, cúp biểu trưng cùng phần thưởng do thành phố trao tặng. Bà Ngô Thị Doãn Thanh, Chủ tịch Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội khẳng định, thủ khoa xuất sắc được lựa chọn vinh danh là nguồn nhân lực chất lượng cao, tài sản của thủ đô và đất nước. Vì vậy, Hà Nội luôn mở cửa chào đón thủ khoa xuất sắc có nguyện vọng về làm việc.
Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan và Bí thư thành ủy Phạm Quang Nghị trao bằng khen cho thủ khoa xuất sắc.
Về bí quyết trở thành thủ khoa, Phạm Văn Thanh (Đại học FPT) chia sẻ, đam mê là điều cốt yếu để mỗi người phấn đấu đạt được kết quả tốt. Rất nhiều người không xác định được mơ ước về công việc trong tương lai rõ ràng nên dễ chán chường, sa vào các thú vui như game.
Còn thủ khoa Phạm Văn Thanh khuyên thì cho rằng, hãy chia sẻ với gia đình, bạn bè, thầy cô để có được lời động viên tốt nhất vượt qua mọi khó khăn. "Phải biết lắng nghe nhiều hơn, bởi nghe để hiểu và phải hiểu ngay tại lớp. Như vậy mới khắc phục được tình trạng đọc thuộc máy móc", Thanh nói.
Chàng sinh viên xứ Thanh tâm sự, trong 4 năm học đại học, cậu chỉ dùng một quyển vở và ghi chép trong 10 trang, trong đó 5 trang dành cho Tiếng Anh và 5 trang Tiếng Nhật. Do chuyên ngành là lập trình, có thể nghe và thực hành luôn nên Thanh không viết nhiều, những môn khác cậu cũng hiểu bài ngay khi cô giảng trên lớp.
"Thiên tài chỉ 1% là thông minh, 99% là do sự chăm chỉ, câu nói này luôn luôn đúng", Bùi Thị Yến Hằng, thủ khoa đầu ra ĐH Sư phạm Hà Nội khẳng định. Với cô, thành công đi liền với việc kiên trì học hỏi, sắp xếp quĩ thời gian hợp lý giữa học tập và hoạt động xã hội, không để chồng chéo lên nhau.
Trong 10 năm qua, hơn 100 thủ khoa đã đầu quân làm việc cho các cơ quan, tổ chức của thành phố. Như năm 2012, thủ khoa đại học Sư phạm Hà Nội Vũ Hồng Nhung được tuyển thẳng làm giáo viên Văn của trường THPT Hà Nội Amsterdam, thủ khoa HV Báo chí Tuyên truyền Lê Thị Thùy Linh được nhận làm giảng viên khoa Quan hệ Công chúng và Quảng cáo của trường.
Hoàng Nguyễn
Nguồn: vnexpress.net