Tôi tìm thấy bình yên ở Hạ Long

Tôi tìm thấy bình yên ở Hạ Long
 
"Lúc này đây, tôi thấy mình đủ dũng cảm để mỉm cười nhìn lại những dông tố đầu đời đã đi qua. Cảm ơn Hạ Long đã thổi vào hồn tôi một ngọn gió lành của sự sẻ chia, và trao cho tôi một ánh nhìn rạng rỡ, ấm áp với tin yêu", bạn Phạm Thị Luyện chia sẻ.
 
Lúc tình yêu đầu tiên bắt đầu rạn nứt sau những tháng năm của đời sinh viên đầy mộng mơ với những suy nghĩ lãng mạn thi vị, cũng là lúc tôi chập chững bước vào cuộc đời khi nhận lời mời vào thực tập tại một dự án hàng trăm triệu đô ở Quảng Ninh. Giữa công trường nắng rọi vào mặt đốt cháy da, đất đá, cát bụi mù mịt, suốt ngày dài ồn ĩ tiếng máy công trình đào bới, rầm rập ào ào tiếng đập dập mài bào cơ khí, tôi chẳng một chút gợn lòng nghĩ về những tin nhắn đầy ghen tuông nhỏ nhen của người yêu đang gửi tới tôi từ một quán cà phê nào đó trong không gian tĩnh lặng thoảng mùi hoa sữa nồng nàn của Hà Nội.
 
Nhưng tối nào cũng vậy, hết giờ “đày ải” trên công trường, ngồi trên đống cát đá chất đầy cái cầu cảng chờ khởi công, đối diện với sóng biển vỗ ào ào vào vách đá, mặt biển hun hút vô tận vào đêm, xa xa chỉ thấy ánh sáng của cảng Cái Lân và cầu Bãi Cháy, trăng mùa thu không sáng quắc nhưng mênh mông, tôi khóc.
 
Cái tôi yêu thương yếu đuổi và khổ đau vô cùng, giờ phút nghĩ đến việc nói lời chia tay, tôi cảm thấy rất rõ trái tim mình rất đau. Tôi tự hỏi vì sao anh ghen tuông, sở hữu, nhỏ nhen, sống yếu hèn, và cứ muốn làm tôi tổn thương đến thế… Có phải vì tôi làm gì sai? Tôi không xinh đẹp, ngọt ngào? Tôi không đặc biệt xuất chúng, giỏi giang? Tôi không giàu? Hay là, hay là tôi không thực sự đáng được yêu thương, và nâng niu? Tôi tự làm đau mình bởi những suy nghĩ quẩn quanh không lối thoát của chính tôi.
 
Ngày mai là tôi hoàn tất kỳ thực tập nhọc nhằn, đêm nay, sau giờ liên hoan chia tay với anh chị em, tôi khoác chiếc áo mỏng lặng lẽ bước ra đứng trước biển đêm. Gió thốc vào lạnh tê tái. Bác quản đốc từ phía sau đến đứng cạnh tôi: “Hãy nói cho bác chuyện của cháu”. Tôi òa khóc nức nở. Bác nhìn vào biển đêm xa xăm: “Ngày mai, trước khi về Hà Nội, hãy xách ba lô đi Hạ Long. Đó là nơi bác thường tìm đến khi lòng nhiều dông bão nhất”.
 
Tôi gần như bị ám ảnh bởi lời nói ấy đến mức không ngủ được, và chong chong chờ đến sáng lờ mờ chưa rõ mặt trời, để xem Hạ Long mà con người đầy trải nghiệm kia nói đến sẽ cho tôi điều gì.
Bình minh trên biển
Đó là một ngày thu đẹp. Mặt trời từ phớt hồng in bóng núi đã lên cao. Con tàu rẽ nước từ từ trôi trên một màu xanh và êm như nhung. Nắng bắt đầu lên rực rỡ từ trên cao chiếu xuống rực rỡ như chiếc đèn chùm khổng lô. Trong gió thu, vẫn thấy thứ gì đó ấm áp bởi hàng nghìn tia sáng hắt lên từ mặt biển, một thứ ánh vàng lấp lánh như pha lê, những chùm ánh sáng lóa mắt chạy đi chạy lại loang loáng, phản chiếu lên vành mũ tôi, và có cảm giác như có thể xòe tay chụp lấy được.
 
Thuyền trưởng nhìn ánh mắt nheo nheo của tôi cười, ông quả quyết: “Cháu cứ nhìn nước biển mà coi, nó như thể đổi màu liên tục”. Tôi thấy thú vị, trầm ngâm quan sát và đúng thế. Vùng nước biển gần mạn tàu nhất rực lên như khối vàng, ra xa hơn nữa, nước đậm dần màu xanh lục, xa hơn nữa một màu xanh đậm đậm như màu mực Cửu Long của dòng lưu bút, xa ngát xa, màu xanh chuyển dần về tim tím. “Ồ đúng thế, thế mà sớm tới giờ cháu chẳng nhận ra”.
 
Sóng dập dềnh qua những làng chài, gió lồng lộng mang theo hơi thở mặn mòi của biển, thổi vào những chiếc áo bạc màu nắng gió buộc trên giây cột buồm, và ngọn cờ đỏ cắm trên cao bay phấp phới. Vài ngư dân xoay trần nhễ nhại bắt cá tôm cua từ các khoang nuôi lên cân, ánh mắt kiên cường, nụ cười hể hả, mồ hôi đọng nguyên trên mặt chờ gió thổi khô đi. Những cánh tay cuồn cuộn kéo thuyền vào gần nhà.
 
Một cậu bé ngồi dưới vòm che đọc sách, mái tóc nâu trên vầng trán rám nắng phất phơ bay. Một chú chó con đứng trên bè vừa vẫy đuôi vừa sủa “oắc oắc” luýnh quỳnh vì mừng. Gần đó một chiếc chợ nổi, là thuyền nhỏ với đầy hoa tươi quả ngọt, xanh đỏ tím vàng đủ màu bồng bềnh bên nhau, những người phụ nữ khéo tay chèo, miệng cười tươi tắn. Tôi không khỏi thấy tim mình vui vui là lạ.
Thủy thủ chỉ tay vào các hòn, các động. Ánh sáng bên ngoài như tắt phụt đi, mở ra một cõi huyền ảo bên trong cửa hang bé nhỏ. Rõ ràng chân tôi đang bước trên mặt đất mà hình như không phải thế. Hàng trăm hình khối lạ lùng thu hút đôi mắt và mọi giác quan của tôi. Những khối nhũ đá bóng loáng tạo hình, đây là đôi uyên ương kề nhau chợt cho tôi cảm xúc yêu thương. Đây là tác phẩm của thiên nhiên mà lại là biểu tượng của tín ngưỡng phồn thực, khiến tôi ngẫm nghĩ mãi về sức mạnh sinh sôi trường tồn. Đây là bầu sữa mẹ, căng tròn, nuôi dưỡng những lớn khôn, khiến tôi nghĩ đến người mẹ già, và tình mẫu tử thiêng liêng…
 
Những liên tưởng ấy được gợi nên từ cảnh quan nơi này khiến ta thấy mình được tiếp đầy sức sống. Cảm giác mát lành bao phủ cả động Thiên Cung, hang Đầu Gỗ, tiếng từng giọt nước đọng rớt xuống thành nhịp điệu “tóc tóc” như một bản hòa ca êm ái quyện trong thứ ánh sáng ngũ sắc kỳ bí. Đây không phải là mộng mà là cõi thực. Một cõi thực mê hồn, một ân huệ của tạo hóa. Bước đi hồi lâu trong cõi tiên dịu dàng này, dường như mọi vết thương đều thật mau lành.
Rồi ánh dương chan hòa cuối hang, ngai ngái mùi lá cỏ hoang sơ trộn với mùi vị đặc trưng nơi mở ra trời xanh và biển rộng. Tôi nằm trên boong, ngửa mặt lên ngắm nhìn bầu trời tổ quốc, lòng như mở ra vô tận. Thuyền trôi lênh đênh dưới những cánh chim hải âu chao liệng, những áng mây trắng xanh như bông gòn cũng lênh đênh trôi vào chiều đang bủa lưới xuống vịnh rất nhanh.
 
Người thủy thủ bẻ lái con tàu, tôi xoay mình ngồi dậy, đắm mình vào chốn thăm thẳm bao la này lần cuối. Hòn Đầu Người nhô lên, in vào trong mắt một hoàng hôn xanh thẫm. Hòn Lư Hương như gắng đốt lên chút ánh nắng cuối ngày. Hòn Chó Đá, hòn Con Cóc nhìn nhau trầm mặc. Đôi trống mái tựa đầu vào nhau trong bình yên. Ánh nắng cuối chiều lịm đi nhanh, chỉ còn đôi tia sáng mỏng manh lách qua từng ngọn đá lô nhô chiếu xuống mặt nước, một thứ ánh sáng tưởng như có thể vớt lên được từ mặt nước, nhưng chỉ có thể cảm thấy được, không thể ghi hình lại được.
 
Một màn sương nhè nhẹ phủ lên từng ngọn cỏ cây, mắc trên từng hòn đá, vương trên cánh buồm đỏ đã thành màu sẫm trong chiều muộn. Thuyền trôi vào khoảng lặng nhất, trái tim của của vịnh. Thời gian lắng đọng như phút ta ngừng thở và tim mình dừng quên một nhịp mà không đập trong lồng ngực.
 
Tôi bước lên cầu tầu, đầu còn vang lên câu hỏi của mình và giọng nói ồm ồm của người thủy thủ già: “Bác ơi, biển và vịnh Hạ Long lúc nào cũng phẳng lặng bình yên như thế sao?”. “Không đâu cháu ạ, có biển nào mà thiếu những lúc dông tố, nhưng cơn bão qua đi, nó vẫn đẹp hết mình, vì nó biết yêu mình, biết yêu những người sống trong tim nó, biết làm tan biến nỗi đau và xua đi nỗi đơn côi của những người tìm đến”.
 
Thế là ở Hạ Long, tôi tìm thấy tôi lại tràn đầy sức sống, niềm tin vào bản thân, tôi đã biết yêu lại chính mình. Tôi biết Hạ Long, như một trái tim để sẻ chia, và chắc rằng những khi lòng dông bão nhất, tôi sẽ tìm đến tình thương mến của nơi này.
Phạm Thị Luyện