Cha mẹ dư giả, con thèm được nghèo

Cha mẹ dư giả, con thèm được nghèo

Hằng ngày, tài xế của gia đình đưa rước Tài đến trường bằng xe bốn bánh, bà vú đón em từ cửa lớp dắt ra tận xe. 13 tuổi, học lớp 7 Tài đã xài quần áo hàng hiệu, sở hữu những món đồ công nghệ đắt tiền nhất.

Cậu bé đang theo học tại một trung tâm Anh ngữ cao cấp. Chi phí hàng chục triệu cho một khóa học ba tháng. Ngoài ra, tuần một buổi, Tài còn học với giáo viên nước ngoài được mời về tận nhà là một biệt thự nằm ở Q.2, TPHCM.

Bố mẹ Tài cùng kinh doanh, đi công tác nước ngoài triền miên, có lúc vắng nhà nhiều tháng trời. Khi về nhà họ cũng chưa hết việc nên chẳng mấy khi ăn uống, trò chuyện với con. Thay vào đó em được bố mẹ “bù đắp” bằng nhiều quà cáp hoặc tiền bạc. Mọi việc chăm sóc, đưa đón Tài đến trường nhiều năm nay đều do chị giúp việc đảm nhận. Về nhà, cậu chỉ một mình trong phòng, học xong lại "cắm đầu" vào máy tính.


Nhiều đứa trẻ có cuộc sống vật chất đầy đủ nhưng vẫn luôn thiếu thốn. (Ảnh minh họa).
Cuộc sống đầy đủ đến mức, không ít lần cậu học trò này tuyên bố với bạn bè, thứ gì cậu thích, bố mẹ sẽ đáp ứng ngay. Thế nhưng, trong một buổi sinh hoạt ngoại khóa chủ đề nói về ước mơ của mình, giáo viên và bạn bè ngỡ ngàng khi nghe Tài chia sẻ: “Ước được làm con nhà nghèo để được gần ba mẹ”.

Ước được nghèo! Nghe có vẻ lạ lùng nhưng đó là suy nghĩ của không ít đứa trẻ sinh ra trong gia đình giàu có. Các em có thể chưa hiểu hết những vất vả của những gia đình điều kiện kinh tế hạn hẹp nhưng trong trong suy nghĩ của các em nghèo nghĩa là gia đình được quây quần bên nhau. Và đó là điều mà các em thiếu thốn.

Cô giáo Đàm Lê Đức giảng dạy tại Trường Trung học Đức Trí và Trường bồi dưỡng văn hóa 218 Lý Tự Trọng bày tỏ, trong quá trình dạy đạo đức cho học trò, cô gặp rất nhiều trường hợp học sinh cuộc sống vất chất đầy đủ, các em không thiếu thứ gì nhưng ước muốn tưởng như đơn giản “thèm được một bữa ăn cùng bố mẹ hay được bố mẹ đưa đến trường” trở nên xa xỉ với các em. Điều đó làm cho sợi dây khoảng cách giữa cha mẹ và con cái ngày càng dài thêm.

Theo cô Đức, môi trường gia đình rất quan trọng trong việc giáo dục đạo đức, nhân cách của trẻ. Tuy nhiên, sự gắn kết cha mẹ và con cái trong nhiều gia đình rất lỏng lẻo, cha mẹ thiếu sự quan tâm đến con, con cái không hiểu được công ơn của cha mẹ một phần vì do hai bên thiếu thời gian cần thiết cho nhau.

Đừng để trẻ thừa vật chất nhưng thiếu vắng tình thương

Bà Nguyễn Hoàng Khánh Tiên, Trợ lý dự án Giáo dục tài chính Tổ chức cứu trợ trẻ em Việt Nam (Save the Children) cho hay, trong quá trình nghiên cứu, khảo sát, nhiều thanh thiếu niên nói rằng cha mẹ làm việc quá bận rộn nên các em thường xuyên nhận được tiền thay thế cho thời gian quan tâm, chăm sóc.

Nhiều phụ huynh không nhận thức được những rủi ro hay hậu quả đưa tiền cho trẻ mà thiếu sự định hướng, chỉ dẫn của người lớn. Thiếu sự giám sát và hướng dẫn chi tiêu cùng thời gian rảnh cũng như thiếu kiểm soát, con trẻ rất dễ đua đòi hay sa vào các tệ nạn xã hội.

Bố mẹ nào cũng yêu thương con. Tuy nhiên, nhiều gia đình chọn cách bù đắp vật chất cho con thay cho tình cảm quan tâm hàng ngày với lý lẽ “kiếm tiền sau này cũng để cho con” đã vô tình làm cho trẻ không cảm nhận được tình cảm của bố mẹ và còn có suy nghĩ tiêu cực, tổn thương.

“Ông bà biết gì về con cái, họ chỉ lo kiếm tiền thôi” là câu phán của học trò về phụ huynh mà nhiều chuyên gia tâm lý gặp khi tư vấn cho các em.


Trẻ cần sự quan tâm, chia sẻ và gần gũi từ bố mẹ. Trong ảnh: Phụ huynh tham gia chương trình kỹ năng sống cùng con.
GS. TS Vũ Gia Hiền cho hay, tình trạng phụ huynh dùng tiền để bù đắp tình cảm cho hiện nay rất nhiều. Họ mải chạy theo cuộc sống vật chất, đeo đuổi mục tiêu làm sao cho con cuộc sống đầy đủ nhưng quên mất rằng điều một đứa trẻ cần trước hết là sự quan tâm, chia sẻ yêu thương của chính bố mẹ.

Ông đã gặp không ít trường hợp, trẻ khi chỉ được “yêu thương” bằng vật chất mà mà thiếu tình cảm người thân đã bị sa đọa, hư hỏng hoặc sự phát triển nhân cách bị "lệch" khiến trẻ sống thiếu trách nhiệm, lạnh lùng với mọi người, thậm chí ngay với người thân yêu nhất.

“Nếu bạn chỉ tập trung cho việc kiếm tiền và dùng tiền để thay thế tình cảm của mình dành cho con cái, nghĩa là phải chấp nhận rằng mình có thể sẽ mất con. Sự yêu thương phải được thể hiện bằng khoảng thời gian của bố mẹ dành cho con bao hàm chất lượng thời gian. Để qua đó, trẻ có thể cảm nhận một cách sâu sắc và học được cách yêu thương, cảm thông với mọi người”, ông Hiền nhấn mạnh.

"Hiện nay, nhiều trẻ gặp phải hội chứng thừa mứa vật chất do được đáp ứng về vật chất quá nhu cầu cần thiết. Thừa vật chất mà thiếu cảm nhận về tình yêu thương rất nguy hại cho trẻ.

Kể cả những gia đình giàu đôi khi cũng nên cho trẻ cảm giác khan hiếm để các em thấy được giá trị của tiền bạc, của lao động giúp các em nỗ lực hơn. Thay vì dồn dập đầu tư cho con về vật chất, phụ huynh hãy tặng con những món quà ý nghĩa như một bữa cơm gia đình ấm cúng, một chuyến đi chơi, đi nhà sách, xem phim cùng con…”. - Luật gia - chuyên gia tâm lý Võ Thị Minh Huệ (Công ty Tâm lý Trẻ)

"Điều kiện kinh tế của gia đình tôi không phải dư giả nhưng luôn chú trọng để con được ăn học đến nơi đến chốn và hiện nay hai cháu nhà tôi đều du học ở Mỹ. Mục tiêu đầu tư để con được ăn học, có một sống đầy đủ là đáng khuyến khích nhưng điều cần nhất là dù thế nào bố mẹ cũng phải thể hiện được sự quan tâm dành cho con cái chứ không phải chỉ cần tiền là đủ.

Tôi cũng lo công việc, không theo sát được con nhưng khi con nhỏ, cho dù bận rộn đến cỡ nào thì việc đưa rước con đến trường tôi cũng giành phần mình để mẹ con gần gũi hơn. Hành động nhỏ đó nhưng ấn tượng với con lắm, bây giờ đi học xa chúng vẫn thường nhắc lại”. - Cô Nguyễn Thị Kim Phượng, phụ huynh bạn Vũ Thụy Vân Khanh (sinh viên ưu tú Delaware Technical Community College) và Vũ Tiến Đạt (Đại học Wesleyan, Mỹ)

Hoài Nam
Dantri.com.vn