Thị trường viễn thông tại Việt Nam

Thị trường viễn thông VN: “Không có chỗ đứng cho doanh nghiệp yếu”
Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Bắc Son cho biết, thị trường viễn thông không có chỗ đứng cho các doanh nghiệp yếu kém cho dù là doanh nghiệp nhà nước. Bộ TT&TT sẽ tập trung tái cơ cấu nhằm hình thành ít nhất 3 - 4 doanh nghiệp có năng lực cạnh tranh cao.

Thị trường quá khốc liệt
Mới đây, Bộ TT&TT đã thu hồi giấy phép mạng di động ảo của Đông Dương Telecom vì không triển khai cung cấp dịch vụ theo quy định. Cùng với đó, Bộ TT&TT cũng yêu cầu VTC báo cáo việc triển khai giấy phép mạng di động ảo sau khi được cấp phép. Ông Phạm Hồng Hải, Cục trưởng Cục Viễn thông (Bộ TT&TT) khẳng định, nếu VTC không triển khai cung cấp dịch vụ mạng riêng ảo thì Bộ TT&TT sẽ thu hồi giấy phép này. Trước yêu cầu này của Bộ TT&TT, ông Lưu Vũ Hải, Chủ tịch VTC cho biết, về định hướng chiến lược VTC sẽ tập trung phát triển các dịch vụ trên hạ tầng có sẵn. Trong quý I, VTC sẽ có báo cáo lãnh đạo Bộ TT&TT về việc triển khai giấy phép này. Trong cuộc họp với các doanh nghiệp viễn thông và Bộ TT&TT được tổ chức gần đây, ông Nguyễn Hoàng Phong, Giám đốc VTC Digicom cho rằng độ hấp dẫn trong đầu tư làm viễn thông rất thấp, thị trường viễn thông đang cạnh tranh quá mức. Việc cạnh tranh này khiến VTC không có nhu cầu đầu tư vào đó nữa bởi không đem lại lợi nhuận.

Trả lời báo giới nhân dịp đầu Xuân Quý Tị, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Bắc Son cho biết, năm 2012 thị trường viễn thông Việt Nam có nhiều biến động như sự kiện EVN Telecom chuyển về Viettel, Công ty VimpelCom của Nga rút vốn khỏi Công ty Cổ phần viễn thông di động toàn cầu GTel, một số giấy phép viễn thông bị thu hồi, xảy ra tình trạng cạnh tranh không lành mạnh thông qua khuyến mại trái phép... "Nguyên nhân chủ yếu là thị trường viễn thông đã rất cạnh tranh, kinh tế lại đang gặp khó khăn nên một số doanh nghiệp không thể duy trì được hoạt động kinh doanh. Mặt khác, quản lí nhà nước về viễn thông nói riêng và quản lí đầu tư công của nhà nước nói chung được tăng cường nên không có chỗ đứng cho các doanh nghiệp yếu kém cho dù là doanh nghiệp nhà nước", Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son nói.

Sẽ có ít nhất 3-4 doanh nghiệp đạt năng lực cạnh tranh cao
Trước những biến động này của thị trường và với định hướng phát triển bền vững thị trường viễn thông theo Quy hoạch phát triển viễn thông quốc gia đến 2020 đã được Thủ tướng ban hành, trong năm 2013, Bộ TT&TT sẽ đẩy mạnh thực hiện quy hoạch, trong đó có tái cơ cấu các doanh nghiệp nhằm hình thành ít nhất 3 - 4 doanh nghiệp có năng lực cạnh tranh cao trên mỗi thị trường quan trọng như di động, Internet băng rộng, cố định đường dài trong nước và quốc tế.

Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son cho biết, đến nay, các doanh nghiệp có hạ tầng mạng - nhóm doanh nghiệp chiếm tỉ trọng cao trong cơ cấu dịch vụ và doanh thu trên thị trường - là doanh nghiệp nhà nước nên tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước trong lĩnh vực viễn thông đồng nghĩa với cơ cấu lại phần lớn thị trường viễn thông. Việc tái cơ cấu sẽ bám sát mục tiêu nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh bằng nhiều biện pháp trong đó có tạo điều kiện cho việc mua bán, sáp nhập, thu hồi giấy phép, tổ chức lại các doanh nghiệp nhà nước kinh doanh kém hiệu quả. Bộ TT&TT sẽ tăng cường công tác thực thi trong cấp giấy phép, quản lí kết nối, giá cước, kho số, khuyến mại; đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra, xử phạt những hành vi cạnh tranh không lành mạnh...

Các biện pháp quản lí sẽ duy trì và thúc đẩy cạnh tranh lành mạnh song song với hỗ trợ đầu tư phát triển viễn thông công ích phục vụ vùng sâu, vùng xa và các đối tượng mà cơ chế thị trường hoạt động không hiệu quả. Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son khẳng định, trong năm 2013 xu hướng chủ đạo của thị trường viễn thông là phát triển bền vững, hướng tới hiệu quả, chất lượng, cạnh tranh lành mạnh.

Theo ICTNews