Quảng bá du lịch Việt mạnh từ đâu ?

Hằng năm có nhiều hội chợ du lịch quốc tế lớn được tổ chức như ITB Berlin ở Đức, WTM ở Anh, Top Resa ở Pháp, Trade Show ở Mỹ, JATA ở Nhật Bản...

Theo tìm hiểu của phóng viên Thanh Niên Online, trước năm 2009, việc tổ chức thiết kế gian hàng ở các cuộc xúc tiến du lịch, hội chợ du lịch ở nước ngoài đều do Vụ Thị trường (Tổng cục Du lịch) đảm nhận.

Tuy nhiên, phần lớn các DN sau khi tham gia hội chợ đều không hài lòng do khả năng thiết kế và tổ chức của cơ quan này thiếu chuyên nghiệp.

Mặc dù có sự thay đổi nhưng việc xúc tiến, quảng bá thu hút khách du lịch nước ngoài vào Việt Nam vẫn chưa xứng với tiềm năng. Trong ảnh là khách du lịch nước ngoài tại trạm dừng chân từ Hà Nội đi Hạ Long 

Trong khi các nước tham gia hội chợ quốc tế có một khu vực riêng với thiết kế không gian, hình ảnh bắt mắt giới thiệu nét văn hóa đặc sắc của nước mình thì các gian hàng doanh nghiệp VN lại nghèo nàn về thông tin.

Do thiếu sự liên kết, đặc biệt là sự gắn kết DN từ phía nhà nước nên quảng bá du lịch ở thời điểm này vẫn "mạnh ai nấy làm".

Năm 2009, ông Nguyễn Văn Tuấn về làm Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch. Từ đây, ông Tuấn có sáng kiến không để Vụ Thị trường thiết kế gian hàng nữa mà thay vào đó tiến hành đấu thầu cho DN tham gia rộng rãi.

Theo đó, DN nào có phương án thiết kế tối ưu, đẹp và chi phí rẻ nhất sẽ được giao thiết kế gian hàng ở các hội chợ du lịch quốc tế có ngành du lịch của VN tham gia.

Hiệu quả của các cuộc xúc tiến, quảng bá của đoàn Việt Nam ở các hội chợ quốc tế còn thấp so với kỳ vọng và kinh phí bỏ ra.
Ông Tôn Thất Hòa, Tổng thư ký Hiệp hội Du lịch TP.HCM
Với sự thay đổi này, Tổng cục Du lịch kỳ vọng sẽ tạo điều kiện cho không chỉ những DN du lịch lớn mà ngay cả DN nhỏ cũng có cơ hội tham gia các hội chợ du lịch quốc tế lớn, từ đó xúc tiến tìm kiếm khách hàng.
Tuy vậy, việc cho đấu thầu này lại không đem lại kết quả như mong đợi. Một số hội chợ du lịch quốc tế để cho DN đấu thầu thiết kế gian hàng lại thiếu tính chuyên nghiệp và không đem đến hiệu quả cho doanh nghiệp. Do đó, năm 2011, Tổng cục Du lịch giành lại quyền thiết kế, xây dựng gian hàng tại các hội chợ du lịch quốc tế.

Nhưng tại hội chợ WTM 2012 tại London (Anh), Vietnam Airlines (VNA) được Tổng cục Du lịch tin tưởng cho đảm nhận việc thiết kế gian hàng. Thời điểm này, VNA đang mở đường bay thẳng từ VN đến Anh.

Là hãng hàng không quốc gia có nhiều đối tác ở nước ngoài nên tại hội chợ WTM 2012, VNA đã thuê hẳn một công ty quảng cáo của Anh thiết kế, xây dựng gian hàng chung rất chuyên nghiệp và được DN du lịch đánh giá cao.

Tại Hội chợ du lịch quốc tế ITB 2013 mới đây ở Đức, VNA lại được giao trọng trách tổ chức việc thiết kế gian hàng chung VN ở hội chợ.

Quảng bá du lịch VN thua xa Campuchia

Từng tham gia nhiều hội chợ du lịch quốc tế, ông Nguyễn Minh Mẫn, Phó giám đốc Ban Tiếp thị truyền thông, Công ty du lịch Vietravel thừa nhận vai trò rất quan trọng của các hội chợ, bởi ở đây DN sẽ có cơ hội tìm hiểu, gặp gỡ đối tác cũng như được cung cấp rất nhiều thông tin chính xác về thị trường.

“Kinh tế đang khó khăn trong khi chi phí tham gia gian hàng, ăn ở, đi lại ở hội chợ như ITB (Đức) cực kỳ đắt đỏ. Công ty tốn khoảng 40.000 - 50.000 USD cho bốn nhân viên sang Đức trong vòng hai tuần để tìm kiếm khách hàng. Biết đắt như thế nhưng không thể bỏ hội chợ này được”, ông Mẫn nói.


Nếu ngành du lịch quảng bá hình ảnh tốt, du khách sẽ đến VN nhiều hơn. Trong ảnh là du khách quốc tế tham quan vịnh Hạ Long - Ảnh: Đình Quân

Ông Tôn Thất Hòa, Tổng thư ký Hiệp hội Du lịch TP.HCM, cũng thừa nhận không thể bỏ qua những hội chợ quốc tế như ITB (Đức), WTM (Anh), Top Resa (Pháp) bởi ở đây luôn tập hợp đông đảo DN cũng như đối tác trong ngành du lịch.

Tuy nhiên, theo ông Hòa, hiệu quả của các cuộc xúc tiến, quảng bá của đoàn VN ở các hội chợ quốc tế còn thấp so với kỳ vọng và kinh phí bỏ ra.

Lý do, trình độ và hiểu biết của những người đi xúc tiến chưa cao, bài bản. Chưa kể đoàn đi xúc tiến thường rất ít các chuyên viên có nghề mà chủ yếu là các quan chức.

"Đừng nghĩ đến đó dựng lên vài gian hàng là xong. Người xúc tiến du lịch phải tổ chức những buổi hội thảo, tọa đàm kêu gọi thu hút khác, với rất nhiều tài liệu, hình ảnh đi kèm. Ở đây không phải là chưng cái gì mà phải tìm hiểu xem khách cần gì để đáp ứng nhu cầu của họ", ông Hòa nói.

Ông Hòa phân tích thêm: "Tham gia xúc tiến ở hội chợ nào thì phải nghiên cứu khách ở thị trường đó. Ví dụ, ITB và WTM cũng là hội chợ quốc tế nhưng khách mình nhắm đến là khách châu Âu nên các tour liên quan đến tâm linh sẽ không hiệu quả. Nhưng nếu là hội chợ ở khu vực Trung Đông thì vấn đề tâm linh thể hiện trong tour lại thu hút hơn".

Ngoài ra, việc xúc tiến muốn thành công đòi hỏi phải có đối tác ở nước sở tại. Đối tác này vừa bán tour cho DN VN nhưng lại vừa giúp đoàn VN quảng bá ngay ở hội chợ.

Đừng tưởng cứ đi theo đoàn của Tổng cục Du lịch ra nước ngoài là có khách
Ông Nguyễn Thế Vinh, Phó giám đốc Công ty lữ hành Saigontourist
Một chuyên gia trong ngành du lịch cho hay ở một hội chợ du lịch quốc tế, trước hết các DN phải hợp lực thu hút du khách quốc tế đến VN đã (thay vì đến Thái Lan, Trung Quốc...) rồi mới đến việc lôi kéo họ đến với DN của mình. Cần phải hợp lực cạnh tranh quốc tế trước khi cạnh tranh lẫn nhau.

"Nhưng có vẻ như các DN chưa ai tin ai và tất cả đều cùng... chưa tin cơ quan quản lý. Tình trạng đơn lẻ, manh mún vẫn tiếp diễn trong lĩnh vực quảng bá du lịch", vị này nói.

Chuyên gia này khẳng định dù VN có nhiều tiềm năng nhưng công tác xúc tiến du lịch của Tổng cục Du lịch bao năm qua rất kém, thậm chí còn thua xa Campuchia.

Ở khía cạnh này, ông Tôn Thất Hòa thừa nhận việc thu hút khách quốc tế của VN chưa bằng Campuchia nếu so với những địa danh như Siem Reap, Angkor...

Ở đây một phần những địa danh như Siem Reap, Angkor nổi như cồn mà ít địa danh nào của VN phân bì được. Nhưng góp nên thành công chính là việc ngành du lịch Campuchia khi thấy mình chưa đủ sức đã giao việc quảng bá, khai thác những địa danh này cho các công ty du lịch của Ý, Pháp, Thụy Sỹ.

"Tất nhiên, giao việc cho công ty nước ngoài thì du lịch Campuchia phải chia sẻ lợi nhuận. Nhưng rõ ràng việc quảng bá, giới thiệu hình ảnh được làm bài bản hơn. Cho nên khách du lịch đến Siem Reap, Angkor đông nghìn nghịt quanh năm suốt tháng", ông Hòa nói.

Đình Quân

Thanhnien.com.vn