Rượu bìm bịp và nguồn gốc

Nước ta có hàng trăm loại chim trời nhưng chim ngâm rượu phục vụ nhu cầu “mạnh” cho cánh vai u thịt bắp thì hiếm lắm. Được một quý ông sành sõi về các món cường dương mách bảo, chúng tôi đã làm cuộc hành trình về chợ Ngã Bảy, thị xã Ngã Bảy (tỉnh Hậu Giang) để tìm hiểu về con bìm bịp - loài chim được dân mê dược tửu phong là “chim sung”- đặng ngâm rượu cải thiện nội công...

BÍ MẬT CHƯA ĐƯỢC GIẢI MÃ!

Chuyện xưa kể rằng, một người đi rừng thấy tổ chim bìm bịp có bầy chim con liền có ý bắt về nuôi. Nhưng thấy chim còn nhỏ quá nên hoãn lại, chờ khi lớn lên chút đỉnh mới bắt về. Tuy nhiên, vì sợ chim mau lớn bay đi nên anh ta đã bẻ cánh và đôi chân bầy chim non. Mấy hôm sau, người này quay trở lại thăm tổ bìm bịp và rất ngạc nhiên trước bầy chim gãy cánh, gãy chân hôm nào đang nhảy lựng chựng. Thấy lạ, lại bẻ cánh, chân và ít ngày sau lại tròn xoe mắt trước bầy chim con giũ cánh lạch phạch...

Chuyện kể là vậy chứ hỏi “Vì sao chim bìm bịp mau lành theo kiểu “Chó liền da, gà liền xương?” thì chẳng ai lý giải được. Chỉ biết rằng, từ một loại chim vô danh, bìm bịp đã “lên đời” một cách ngoạn mục khi trở thành “nhân vật” chính không thể thiếu được trong các hũ rượu mãng xà.

“Đao phủ” đang hóa kiếp bìm bịp ngâm rượu cho khách.  

Theo dân mê dược tửu, trong các loại chim nước, sở dĩ bìm bịp là “số 1” cũng vì tính năng bổ dương, mạnh xương của nó. Nguyên nhân của cái sự bổ này được lý giải, do loài chim này sống với rắn, ăn thịt rắn nên xương thịt của nó có dược tính của rắn, nghĩa là có tác dụng tăng cường sinh lực. Bìm bịp nếu ngâm rượu uống có tác dụng trị đau lưng, nhức mỏi rất tốt. Vì quan niệm như vậy nên người ta đã dốc sức săn lùng bìm bịp để ngâm rượu.

Trò chuyện với anh Lê Mỹ, một cán bộ kiểm lâm ở Vườn quốc gia Lò Gò - Xa Mát, Tây Ninh về bìm bịp, câu chuyện của anh có những thông tin trùng hợp với lời kể của những người đi rừng là thường gặp rắn chàm quạp hoặc các loại rắn cực độc khác như cạp nong, mái gầm... trong tổ chim bìm bịp. Anh cho biết: “Kinh nghiệm bắt bìm bịp của dân sơn tràng là nếu phát hiện tổ rồi thì dùng cây dài từ một mét trở lên thăm dò xem trong đó có rắn độc hay không, bởi 10 tổ thì đã hết 7 tổ có rắn. Nếu có, mình phải xử lý con rắn trước, sau đó chờ con mẹ về tóm luôn một thể”.

Những thông tin về chim bìm bịp, tôi chỉ biết có vậy. Chỉ biết là việc sử dụng bìm bịp đến nay vẫn chưa có một công trình khoa học nào chứng minh bằng những kết quả thực nghiệm cụ thể, mà chỉ được sử dụng theo kinh nghiệm dân gian với thời gian ngâm khoảng 6 tháng, ngày uống hai lần, mỗi lần 25-30 ml. Còn việc con bìm bịp mẹ điều trị vết thương cho con bằng cách nào mà chóng lành đến nay vẫn là bí mật chưa được giải đáp.

ĐI CHỢ BÌM BỊP

Đến chợ Phụng Hiệp, hoa cả mắt trước muôn trùng chim bìm bịp lớn nhỏ được nhốt trong những chiếc lồng chật hẹp. Thấy khách ngắm nghía, một phụ nữ khoảng tuổi 50 gầy tong, mặt sắc nét tên Tiên đon đả mời chào: “Mua gì em trai? Rắn, rùa, chim, bìm bịp, trăn, kỳ đà hay cua đinh?”. “Chỉ có mấy con bìm bịp lèo tèo vậy sao?”- “Muốn bao nhiêu cũng có em ơi! Chị chỉ chưng vài con làm mẫu cho khách biết thôi. Bìm bịp mà em đem ngâm rượu là số dzách đó!”.

 Bìm bịp được bày bán chợ  Phụng Hiệp.

Hôm đó, có rất nhiều người đi mua bìm bịp. Có ông nọ tuổi xồn xồn không thèm hỏi giá đã rinh một lúc 10 lồng bìm bịp và mua hàng kilôgam rắn lục, mà theo lời ông ta là về cho chim ăn. ông khách cho biết: “Với chục con bìm bịp mới này, hiện vườn nhà anh có đúng 30 con bìm bịp... Ngoài rắn, anh còn mua bọ cạp, mối chúa, thằn lằn núi cho chúng ăn để luyện thuốc”.

Một trong hai người phụ nữ đến từ TP Hồ Chí Minh đứng gần đấy, bộc bạch: “Nghe đồn bìm bịp bổ xương lâu lắm rồi, sẵn lần này có dịp xuống đây chơi nên mua hai con về nấu cháo thử xem sao. Nếu hiệu nghiệm lần sau ghé mua nữa!”.

Chỉ trong khoảng 30 phút quan sát, tôi đếm được có 20 con bìm bịp được giao dịch. Nguồn bìm bịp được cung cấp bởi các thợ bẫy chim chuyên nghiệp chuyên bẫy lén từ các vườn chim, khu bảo tồn thiên nhiên ở các tỉnh như An Giang, Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang... Nói chung là từ những tỉnh có diện tích rừng khá lớn và có nhiều vườn chim cò sinh sống.

Chúng tôi bắt chuyện với không ít “thượng đế” đang trên hành trình săn bìm bịp tại chợ Ngã Bảy và ghi nhận nhiều tâm sự thú vị. Một chàng trai khoảng 25 “xuân xanh” đến từ Nha Trang- Khánh Hòa thổ lộ: “Vài tháng nữa em lên xe bông rồi. Em muốn đêm động phòng của mình phải thật ý nghĩa, muốn cô ấy phải nhớ suốt đời... Nghe mấy ảnh nói uống rượu bìm bịp đại bổ “đại sung” nên em lặn lội xuống đây kiếm vài cặp với vài con rắn hiếm ngâm rượu dưỡng sức!”.

Và anh đã yêu cầu người bán hàng xả thịt cả chục con bìm bịp đem về ngâm rượu đặng uống “cho sung”. Vừa thao tác, người bán hàng vừa giảng giải cho khách về kỹ thuật ngâm rượu bìm bịp: “Có nhiều ông rất sành điệu, khi mua bìm bịp về, mấy ổng bỏ đói 2-3 ngày rồi cho nó quất một con rắn càng độc càng tốt và chờ đúng 3 ngày sau thì đem ra làm thịt ngâm rượu. Lúc đó, chất bổ của con rắn đã được con bìm bịp tiêu hóa nên dược tính của nó tăng lên gấp bội... Uống đến đâu, công hiệu đến đó!”.

NỖI XÓT XA...

Trò chuyện với những người kinh doanh rắn, bìm bịp tại chợ Phụng Hiệp, chúng tôi đã được nghe không ít chủ hàng tâm sự “Không hiểu sao dạo này bìm bịp hiếm quá chừng... Mấy năm trước, giá bìm bịp rẻ lắm, chỉ nhích hơn giá các loại chim ăn thịt khác môt ít thôi... Có thời điểm, một ngày, tôi gom hàng trăm chim bìm bịp nhưng nay, cao lắm thì chỉ khoảng 30 con một ngày...”. Cũng chính vì hiếm vậy nên giá bìm bịp dần leo thang. Bìm bịp được vận chuyển giao theo đơn đặt hàng từ trước của các nhà hàng đặc sản khắp từ Bắc Chí Nam, bìm bịp theo những chiếc xe máy đi khắp các hàng cùng ngõ hẻm phục vụ cho nhu cầu “tráng dương bổ thận” của các ông, bìm bịp được “đóng gói” vận chuyển sang biên giới Trung Quốc... Như vậy mà không khan hiếm mới lạ?!

Xót xa trước tình cảnh của chim bìm bịp, chúng tôi giở tìm trong danh mục các loại động vật hoang dã quí hiếm nghiêm cấm hoặc hạn chế săn bắt theo quy định của Chính phủ nhưng tuyệt nhiên không thấy tên loại chim này. Và vì không được nằm trong danh mục cấm như vậy nên bìm bịp mới bị người ta bắt, mua bán vô tội vạ. Với tình trạng này, nếu không được chế tài thì e rằng, trong tương lai gần, tiếng con bìm bịp kêu chiều chỉ còn là chuyện... “ của ngày xưa đó!”.