Doanh nghiệp và người dùng đều được hưởng lợi

(HNM) - Sau 3 năm thực hiện cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" (gọi tắt là Cuộc vận động), kết quả thăm dò cho thấy 62,3% người tiêu dùng TP ngày càng có ý thức trong ưu tiên mua sắm hàng Việt. Nhiều doanh nghiệp cũng "bật" lên nhờ sự "tiếp sức" của Cuộc vận động. Mục tiêu đến năm 2015, theo Ban chỉ đạo Cuộc vận động, là có 80% người dân lựa chọn hàng Việt khi mua sắm.

Sự ưu tiên mua sắm hàng Việt có thể thấy rõ với cái Tết năm nay, khi hàng Việt đã chiếm lĩnh thị trường, nhất là các mặt hàng như bánh, kẹo, mứt, trái cây và thực phẩm. Thậm chí, những mặt hàng Trung Quốc vốn "làm mưa làm gió" trên thị trường như quần áo, giày dép nhờ mẫu mã đẹp, giá rẻ hiện cũng không là sự lựa chọn của người tiêu dùng thành phố.

Sữa nội đã được người tiêu dùng tin tưởng. (Trong ảnh: Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thị Hồng đi thăm cửa hàng sữa của Nutifood).

Ông Dương Quan Hà, Chủ tịch Ủy ban MTTQ TP Hồ Chí Minh, Phó Ban chỉ đạo Cuộc vận động cho biết, người tiêu dùng thành phố đã có chuyển biến về nhận thức và thay đổi hành vi tiêu dùng theo hướng ưu tiên dùng hàng Việt thay vì hàng ngoại đã tồn tại lâu nay. Trong mua sắm công, nhiều cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội cũng chủ động ưu tiên dùng hàng Việt. Kết quả thăm dò dư luận xã hội về Cuộc vận động cho thấy có 62,3% người tiêu dùng ngày càng có ý thức trong việc ưu tiên mua sắm hàng Việt.

Theo ông Dương Quan Hà, Cuộc vận động đã tiếp sức cho các doanh nghiệp ổn định sản xuất kinh doanh. Thành phố đã có nhiều hỗ trợ cho doanh nghiệp như hỗ trợ lãi suất gần 1.900 tỷ đồng cho 37 dự án để đầu tư đổi mới máy móc, chuyển giao công nghệ; bên cạnh đó là hỗ trợ cung cấp thông tin, hỗ trợ tổ chức các lớp bồi dưỡng kỹ năng kinh doanh, nghiên cứu thị trường… Từ những hỗ trợ này, các doanh nghiệp trong bối cảnh khó khăn đã cố gắng trong cải tiến quy trình sản xuất kinh doanh, cải tiến hệ thống phân phối, nâng cao chất lượng sản phẩm, giá cả hợp lý… từng bước tạo tin tưởng cho người tiêu dùng, lấy lại thị trường.

Hiện TP Hồ Chí Minh có trên 150 doanh nghiệp (chiếm 1/2 số lượng cả nước) có sản phẩm đạt danh hiệu "Hàng Việt Nam chất lượng cao". Những doanh nghiệp tiêu biểu như Công ty CP Sữa Việt Nam (Vinamilk) đạt doanh số trên 1 tỷ USD, tham gia có hiệu quả việc bình ổn mặt hàng sữa, không để các doanh nghiệp ngoại thao túng như trước đây, Công ty TNHH Một thành viên Việt Nam Kỹ nghệ Súc sản (Vissan) bảo đảm nguồn thực phẩm đủ, sạch, an toàn, đủ sức phục vụ thị trường trong nước. Liên hiệp HTX Thương mại thành phố (Saigon Co.op) liên tục phát triển hệ thống phân phối, hiện đã có 61 siêu thị và hàng trăm cửa hàng. Doanh thu hàng Việt Nam của Saigon Co.op liên tục tăng với năm 2010 đạt 10.500 tỷ đồng, năm 2011 đạt 14.221 tỷ đồng và năm 2012 đạt gần 18.000 tỷ đồng. Tỷ lệ hàng Việt tại hệ thống siêu thị, cửa hàng của Saigon Co.op chiếm hơn 90% trong cơ cấu hàng hóa. Đặc biệt, trong 10.000 mặt hàng thường xuyên kinh doanh thì tỷ lệ hàng Việt chiếm trên 95%, riêng các mặt hàng bình ổn giá thì 100% là hàng Việt. Không chỉ các nhà phân phối trong nước mà các nhà phân phối nước ngoài như hệ thống siêu thị BigC thì hàng Việt cũng chiếm đến 90% trong cơ cấu hàng hóa. Những siêu thị trước kia bán nhiều hàng nước ngoài như Maximark, Lotte thì lượng hàng Việt trong cơ cấu hàng hóa cũng đã dần tăng lên.

Sở dĩ Cuộc vận động thành công, theo Ban chỉ đạo, đó là nhờ sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị… Tuy nhiên, vẫn còn những mặt tồn tại, hạn chế như công tác tuyên truyền, vận động, nhất là vận động chiều sâu về việc ưu tiên dùng hàng Việt cho các đối tượng thu nhập thấp như nông dân, công nhân chưa sâu sắc, vì vậy do khó khăn về thu nhập nên phần nhiều vẫn còn dùng hàng không rõ nguồn gốc, không bảo đảm chất lượng vì giá rẻ. Bên cạnh đó là công tác quản lý thị trường chưa thực hiện tốt, vẫn để cho một số lượng hàng gian, hàng giả, hàng kém chất lượng lưu thông làm giảm uy tín hàng Việt, đồng thời gây khó khăn trở ngại cho các doanh nghiệp trong nước.

Theo ông Dương Quan Hà, mục tiêu Cuộc vận động đến năm 2015 là sẽ có 80% người tiêu dùng Việt Nam ưu tiên mua hàng hóa thương hiệu Việt, trong đó 100% cán bộ lãnh đạo các cấp gương mẫu ưu tiên sử dụng hàng Việt Nam; 100% cơ quan, đơn vị khi mua sắm tài sản công phải ưu tiên chọn mua hàng sản xuất trong nước. Để hỗ trợ cho hàng Việt Nam, Ban chỉ đạo cũng đề nghị các cơ quan chức năng phát huy trách nhiệm của mình để hỗ trợ các doanh nghiệp Việt. Cụ thể, đến năm 2015 có 90% các cơ sở kinh doanh thương mại bán hàng có niêm yết giá, nguồn gốc xuất xứ hàng hóa; giảm 50% hàng nhập lậu, hàng giả, hàng không bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm so với năm 2012; 90% phường, xã, thị trấn trên địa bàn thành phố có điểm bán hàng bình ổn để tạo điều kiện cho người tiêu dùng tiếp xúc nhiều hơn với hàng Việt.
Thùy Linh