Top 10 thị trường nhập khẩu thủy sản Việt Nam năm 2012

Theo số liệu của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), bất chấp khó khăn, kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Việt Nam trong năm 2012 vẫn đạt hơn 6,13 tỷ USD, tăng 0,3% so với cùng kỳ năm 2011. Trong đó, Mỹ vẫn là thị trường quan trọng nhất khi chiếm đến 19,4% tổng kim ngạch.

1. Mỹ

Với giá trị nhập khẩu đạt 1,19 tỷ USD, tăng 1,2% so với cùng kỳ năm 2011, Mỹ đã vượt qua EU để trở thành thị trường nhập khẩu lớn nhất của thủy sản Việt Nam năm 2012. Tuy nhiên, trong năm 2013, xuất khẩu các mặt hàng thủy sản Việt Nam nói chung sang Mỹ có thể sẽ gặp nhiều trở ngại do nhu cầu thấp, suy thoái kinh tế toàn cầu. Riêng đối với con tôm có nguy cơ đối diện với việc bị áp cả 2 loại thuế là bán phá giá và trợ cấp bởi mới đây Bộ Thương mại Mỹ (DOC) đã chính thức thụ lý đơn kiện chống trợ cấp của Liên minh công nghiệp tôm vùng Vịnh (COGSI)đối với tôm nhập khẩu từ 7 nước, trong đó có Việt Nam.

2. EU

Chính sách siết chặt tín dụng tại các nước châu Âu đã tác động rất lớn đến xuất khẩu thủy sản Việt Nam sang thị trường này trong thời gian qua.Năm 2012, dù EU là thị trường lớn thứ 2 trong top 10 thị trường nhập khẩu thủy sản của Việt Nam, nhưng giá trị xuất khẩu của thủy sản nước ta sang thị trường này lại khá ảm đạm khi chỉ đạt gần 1,13 tỷ USD, giảm 14,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Nhiều dự báo cho thấy, xuất khẩu thủy sản sang EU trong năm 2013 tiếp tục không mấy sáng sủa bởi khủng hoảng nợ công ở châu Âu còn tiếp diễn.

3. Nhật Bản

Nhật Bản là thị trường đứng thứ 3 trong danh sách 10 nhà nhập khẩu thủy sản hàng đầu của Việt Nam năm 2012 khi mang về cho Việt Nam hơn 1 tỷ USD, tăng 9,3% so với cùng kỳ năm 2011. Tuy nhiên, hiện nay xuất khẩu tôm nước ta sang thị trường này đang phải đối diện với rào cản Ethoxyquin chưa được tháo gỡ. Và theo nhận định của nhiều chuyên gia, xuất khẩu tôm Việt Nam sẽ tiếp tục bị ảnh hưởng mạnh trong thời gian tới, theo đó, kim ngạch xuất khẩu thủy sản nói chung trong năm 2013 sẽ giảm 1,5 – 2% so với năm 2012.

4. Hàn Quốc

Chỉ riêng trong tháng 12/2012, xuất khẩu thủy sản Việt Nam sang Hàn Quốc đã đạt hơn 45 triệu USD, đưa tổng kim ngạch xuất khẩu cả năm đạt 508,7 triệu USD, tăng 6,5% so với cùng kỳ năm 2011. Hiện, Hàn Quốc là thị trường nhập khẩu lớn thứ 4 của thủy sản Việt Nam. Tuy nhiên, từ cuối tháng 11/2012, Hàn Quốc cũng đã bắt đầu áp dụng kiểm tra dư lượng Ethoxyquin đối với tôm nhập khẩu từ Việt Nam với mức 0,01 ppm như Nhật Bản. Điều này chắc chắn sẽ là áp lực cho các doanh nghiệp xuất khẩu tôm nước ta sang thị trường này trong thời gian tới.

5. Trung Quốc và Hồng Kông

Trung Quốc và Hồng Kông là thị trường tiêu thụ lớn thứ 5, chiếm 6,8% tỷ trọng giá trị xuất khẩu của thủy sản Việt Nam. Tính đến hết năm 2012, Trung Quốc và Hồng Kông đã nhập khẩu một khối lượng tôm có giá trị khoảng 419 triệu USD, tăng 20,5% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, thời gian gần đây, Trung Quốc đang có động thái dựng rào cản cũng như những chiêu gian manh nhằm hạn chế nhập khẩu thủy sản Việt Nam. Theo đó, các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản Việt Nam sang thị trường cần hết sức cảnh giác cao.

6. ASEAN

Kim ngạch xuất khẩu thủy sản Việt Nam sang ASEAN trong năm 2012 đạt 344,5 triệu USD, tăng 11,6% so với cùng kỳ năm ngoái, chiếm 5,6% tổng kim ngạch. Theo nhiều chuyên gia ngành thủy sản, ASEAN là một trong những thị trường tiềm năng để ViệtNam đẩy mạnh xuất khẩu trong thời gian tới.

7. Australia

Kim ngạch xuất khẩu thủy sản sang Australia trong tháng 11/2012 đạt 16 triệu USD, tháng 12/2012 đạt 9,4 triệu USD, đưa tổng kim ngạch xuất khẩu tính từ đầu năm đến hết tháng 12/2012 lên gần 184 triệu USD, tăng 14,2% so với cùng kỳ năm 2011. Trong bối cảnh thị trường EU có nhu cầu nhập khẩu thấp và khó có khả năng phục hồi sớm, thị trường Mỹ dư thừa nguồn cung, Nhật Bản "bấp bênh" với nhiều rào cản kỹ thuật... thì Australia là một trong những "điểm sáng" cho xuất khẩu thủy sản Việt Nam năm 2013.

8. Canada

Xuất khẩu thủy sản Việt Nam sang Canada trong năm 2012 tuy giảm 7,8% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái, chỉ đạt 133 triệu USD, nhưng Canada vẫn được xem là thị trường tiềm năng đối với thủy sản Việt Nam do nước này có vị trí nằm sát Mỹ và người dân nơi đây có mức sống cao. Trong thời gian tới, để thâm nhập sâu và mở rộng được thị phần của thủy sản Việt Nam tại Canada, các doanh nghiệp xuất khẩu nước ta cần phải tìm hiểu kỹ hơn những thông tin cũng như quy định của thị trường này.

9. Mexico

Hiện nay, Mexico được đánh giá là thị trường nhập khẩu lớn, ổn định và tiềm năng của thủy sản Việt Nam, đặc biệt là đối với mặt hàng cá ngừ. Trong năm 2012, đất nước có nền kinh tế lớn thứ hai tại Châu Mỹ La tinh này đã có mặt trong Top 10 thị trường nhập khẩu thủy sản Việt Nam với giá trị đạt hơn 110 triệu USD, giảm nhẹ 1,3% so với cùng kỳ năm ngoái.

10. Nga

Theo số liệu thống kê của VASEP, kim ngạch xuất khẩu thủy sản Việt Nam sang Nga trong năm 2012 giảm 4,9% so với cùng kỳ năm 2011, đạt hơn 100 triệu USD. Con số này chưa thật sự gây ấn tượng nhưng lại mở ra một cơ hội mới trong việc nỗ lực chinh phục thị trường Nga, một trong những thị trường tiềm năng của châu Âu.

Top 10 thị trường nhập khẩu thủy sản Việt Nam năm 2012

GT: Giá trị, triệu USD

TT

Thị trường

Năm 2012 (GT)

So với năm 2011 (%)

1

Mỹ

1.192,210

+ 1,2

2

EU

1.135,315

- 14,8

3

Nhật Bản

1.097,109

+ 9,3

4

Hàn Quốc

508,759

+ 6,5

5

Trung Quốc và Hồng Kông

419,177

+ 20,5

6

ASEAN

344,534

+ 11,6

7

Australia

183,765

+ 14,2

8

Canada

132,811

- 7,8

9

Mexico

110,201

- 1,3

10

Nga

100,489

- 4,9

 

Các thị trường khác

909,959

- 3,9

 

Tổng cộng

6.134,328

+ 0,3

 

 

Theo thuongmai.vn